“Ở Việt Nam, nhiều công trình thủy điện đã xem nhẹ vai trò và lợi ích của người dân. Vì vậy, các tác động do thủy điện gây ra trở nên nặng nề và khó giải quyết hơn”, bà LÂM THỊ THU SỬU, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD), Điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) trao đổi với báo Đại biểu Nhân dân.
Đặt lợi ích dân lên đầu
– Những năm gần đây, cứ sau các đợt mưa lớn kéo dài là các hồ thủy điện lại xả lũ, gây ngập úng vùng hạ du ở khu vực miền Trung. Chủ đập thường thanh minh rằng họ xả lũ đúng quy trình, có báo trước cho dân. Việc thủy điện Hố Hô xả lũ vừa qua là một ví dụ. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
– Nếu các chủ đập cho rằng họ xả lũ đúng quy trình và các ngành chức năng xác minh việc “đúng quy trình” nhưng tác động gây thiệt hại đến người dân và tài sản của họ thì phải xem lại quy trình đó có đúng hay không. Trong trường hợp này, nếu thủy điện Hố Hô được Bộ Công thương xác minh là đã thực hiện đúng quy trình thì Bộ Công thương phải làm lại “quy trình” để không được ảnh hưởng đến người dân.
– Bà nhận xét như thế nào về sự tham gia của người dân trong việc phát triển thủy điện hiện nay?
– Sự tham gia được đề cập trong trường hợp này là người dân cần phải được tiếp cận thông tin, họ cần phải có cơ hội nói lên tiếng nói và thể hiện vai trò của mình trong quá trình phát triển thủy điện. Nghĩa là lợi ích người dân phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và vận hành của thủy điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án thủy điện hiện nay, sự tham gia của người dân rất ít và mờ nhạt. Về mặt pháp lý, chỉ có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện yêu cầu phải tham vấn cộng đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện rất sơ sài và đối phó. Ví dụ, thành phần các buổi tham gia tham vấn rất hạn chế. Theo quy định, cả người chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đều phải được tham dự, tuy nhiên, người dự chủ yếu là những người thuộc diện tái định cư. Người dân ở vùng hạ lưu không được tham gia, nói gì đến đại diện cộng đồng như phụ nữ, người già, trẻ em, người yếu thế… Chất lượng tham vấn cũng không bảo đảm. Tài liệu về dự án lẽ ra phải được gửi trước để người dân biết nhưng không được thực hiện. Biên bản tham vấn sơ sài, thường mang tính thủ tục. Hiện nay có một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện thuê trưởng thôn cập nhật một số thông tin và tình hình hoạt động của nhà máy tới người dân nhưng điều đó không có nghĩa là người dân được tham gia giám sát.
– Điều này gây ra hệ quả gì, thưa bà?
– Nếu cho rằng thủy điện đóng góp cho lợi ích quốc gia thì lợi ích đó phải gắn liền với sự tiến bộ và sự bình đẳng với người dân. Người dân, kể cả những người ở khu vực nhà máy thủy điện, người thuộc diện tái định cư, người sống ở hạ du hay ở lưu vực sông có thủy điện, phải được lắng nghe ngay từ khi lập kế hoạch, xây dựng, vận hành và giám sát nhà máy thủy điện… Ở Việt Nam, nhiều công trình thủy điện đã xem nhẹ vai trò và lợi ích của người dân cả trong quy định và trên thực tế. Chính vì vậy, các tác động do thủy điện gây ra trở nên nặng nề và khó giải quyết hơn.

Thủy điện nhỏ cũng gây tác hại lớn
– Điều quan trọng là các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện cần phải được thực hiện một cách minh bạch, công khai cho người dân và chính quyền địa phương biết. Bà bình luận như thế nào về điều này?
“Người dân cần phải biết tự bảo vệ mình bằng việc nói lên tiếng nói của mình về các tác động thủy điện và kết nối và kêu gọi các tổ chức cùng hành động để đem lại các chính sách và thực hành đúng về phát triển thủy điện…”
Trong đó, việc minh bạch thông tin hết sức quan trọng không những cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước mà ngay chính nhà máy/chủ đập cũng có lợi. Nếu các nhà máy thủy điện không minh bạch thông tin thì đây chính là những sai lầm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh và trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.- Tất cả các thủy điện dù to hay nhỏ đều cần được quản trị tốt. Quản trị tốt trong thủy điện có các yếu tố quan trọng cần xem xét cẩn trọng từ khâu lập kế hoạch, xây dựng, vận hành nhà máy là: Minh bạch; giải trình; sự tham gia; công bằng; pháp quyền/pháp trị.
– Bà có đề xuất gì đối với chương trình phát triển thủy điện?
– Ở Việt Nam có quá nhiều bất cập trong quản trị thủy điện. Nhìn lại tất cả 5 yếu tố trên không có yếu tố nào mà các dự án thủy điện ở Việt Nam có cả. Vì các bất cập này nên thủy điện nhỏ cũng có nguy cơ gây tác động lớn. Ví dụ như chủ đầu tư có thể tranh thủ các kẽ hở trong quản trị để lợi dụng phá một diện tích rừng lớn, hay khai thác các nguồn tài nguyên từ rừng để làm một thủy điện với công suất rất nhỏ… Vì vậy, thủy điện dù to hay nhỏ cũng không bền vững. Tôi cho rằng, Việt Nam không nên phát triển thủy điện ở bất cứ quy mô nào cho đến khi các yếu kém trong quản trị nêu trên được cải thiện.
– Xin cám ơn bà!
Hồng Loan thực hiện – Nguồn: daibieunhandan.vn