Sekông, Sê San và Srêpôk (3S) là 3 con sông lớn quan trọng của dòng Mê Kông. Dòng chảy của 3 con sông ảnh hưởng đến hơn 17.000 người dân sống trên các vùng đất chạy dọc theo chúng. Quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa của Việt Nam, trong 2 thập kỷ qua đã làm tăng nhu cầu năng lượng của quốc gia này.
Tại miền Trung – Tây Nguyên, trong thời gian qua, hàng loạt các dự án thủy điện được quy hoạch và phê duyệt với mong muốn sẽ có đủ năng lượng sản sinh cho quá trình phát triển của vùng. Có thể nói, đây là một trong những khu vực có nhiều dự án thủy điện nhất cả nước. Thống kê cho thấy, chỉ trên 3 dòng sông này, đã có gần 80 dự án thủy điện cỡ vừa và nhỏ, 50 trong số đó đã và đang hoạt động. Tại các huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Cu Jut (Đắk Nông) và Buôn Đôn (Đắk Lắk), các nhà máy thủy điện các cỡ, chặt các con sông ra thành từng khúc, đã và đang tác động tiêu cực, đa chiều và sẽ còn rất dai dẳng đến sự phát triển ổn định và bền vững của hàng trăm hộ dân sống dọc theo chúng. Trong đó, các hộ dân bị tái định cư do thủy điện là đối tượng chịu nhiều tác động và tổn thất nhất. Cuộc đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng của họ, song song với việc vật lộn để tồn tại và phát triển tại nơi ở mới đang ẩn chứa những bất ổn và hệ lụy tiềm tàng.
Từ tháng 9/2015 đến tháng 6/2017, CSRD với sự tài trợ của Oxfam đã triển khai dự án “Thí điểm đánh giá tác động về giới tại thủy điện A Lưới và thủy điện Srepók thuộc khu vực các nhánh sông 3S của miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam” (GIA1) với mục tiêu tổng quát nhằm hỗ trợ các công ty thủy điện và cơ quan nhà nước liên quan sẽ cân nhắc đến vai trò, tác động về Giới trong quá trình phát triển thủy điện ở khu vực dọc sông 3S tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên Việt Nam. Để đạt được mục tiêu chung đó, dự án đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể như sau:
- Hiểu rõ hơn nữa tác động của thủy điện đến giới đối với sinh kế người dân địa phương tại các thủy điện;
- Thúc đẩy các công ty thủy điện và cơ quan nhà nước quan tâm các vấn đề liên quan đến giới và lồng ghép giới vào quá trình ra quyết định;
- Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về giới hiện đang công tác tại Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), hội phụ nữ địa phương các cấp, và các công ty thủy điện trên địa bàn khu vực miền Trung Việt Nam.
Ngay sau dự án GIA1 kết thúc, nhận thấy cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy các thay đổi đã được dự án khởi tạo, đặc biệt chú trọng gia tăng tác động lên nhóm phụ nữ, giai đoạn tiếp nối của dự án mang tên “Tăng cường bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thủy điện trên lưu vực các sông 3S tại miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam” (GIA 2) đã được triển khai với các mục tiêu đề ra như sau:
- Tạo ra môi trường thuận cho các hoạt động kinh tế của phụ nữ bằng cách thúc đẩy mạng lưới xã hội và tăng khả năng tiếp cận về tài chính cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi đập thủy điện ở A Lưới và Srepok.
- Vận động và thực hiện SIA và GIA trong quá trình thực hiện ĐTM của các đập thủy điện.
- Tăng cường năng lực và kết nối mạng lưới các cộng đồng đặc biệt là nhóm phụ nữ ở khu vực sông 3S và các nước láng giềng để tăng cường tiếng nói về tác động của đập thủy điện.
Trên cơ sở đó, dự án GIA 2 hướng đến 04 kết quả cụ thể, bao gồm:
- Chia sẻ trách nhiệm giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hội Phụ nữ tỉnh và Công ty thủy điện.
- Các sáng kiến sinh kế địa phương và phụ nữ lãnh đạo trong các hoạt động kinh tế được thừa nhận là các mô hình bền vững và thích ứng trong bối cảnh mới của vai trò giới của các khu vực bị ảnh hưởng ở A Lưới, Cư Jút và Buôn Đôn.
- Mở rộng hơn các đối tượng như là các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế, tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, cá nhân và các đối tác phát triển, cộng đồng sẽ có cơ hội tìm hiểu về GIA, SIA và quan tâm nhiều hơn đến GIA, SIA.
- Kết nối mạng lưới phụ nữ với các nước láng giềng để tăng cường tiếng nói về tác động giới, tác động xã hội của đập thủy điện thu hút sự chú ý và hỗ trợ đến từ cộng đồng xã hội.
Thông tin liên quan:– Vắn tắt khuyến nghị chính sách: Đánh giá tác động giới các công trình thủy điện trên sông Sre Pok – 2017: Xem thêm
– Phóng sự ảnh: Nơi dòng sông chảy ngược: Nước, giới và phát triển: Xem thêm |